Tư duy tài chính vĩ mô & bất động sản.
—
Ngồi phòng lạnh (hoặc phòng trọ) chém gió về kinh tế tài chính vĩ mô là niềm vui của rất nhiều Anh Chị Em trong ngành bất động sản.
Việt Nam là nền kinh tế với độ mở cực cao, đương nhiên chịu ảnh hưởng từ các biến động lớn của thế giới. Bạn có thể cảm nhận điều này qua độ dày của lát thịt bò trong tô phở chị Năm, đến nụ cười gượng của nhân viên sau khi đọc dòng lương trừ thuế & BHXH. Các động thái siết tín dụng và từng bước nâng lãi suất đang tác động đến nhiều ngành kinh tế dịch vụ và đương nhiên, cả ngành bất động sản. Đây là thời điểm khó khăn đối với nhiều người đang vay ngân hàng để đầu tư, lướt sóng ở một số phân khúc, khu vực.
Hiểu về kinh tế tài chính quốc gia, có thể giúp bạn ra quyết định tốt hơn, đặc biệt về tính thời điểm và quản trị rủi ro trong ngành bất động sản. Nhưng không phải là tất cả.
Viết về các vấn đề vĩ mô nói chung dễ hay khó ? Khó chứ, vì đòi hỏi kiến thức nhất định, không phải ai trong nghề bất động sản có thể diễn đạt chính xác.
Nhưng việc lạm dụng, chỉ tập trung vào các yếu tố như lạm phát, lãi suất, cung tiền; chỉ rập khuôn 100% vào lý thuyết Âu Mỹ và đem áp dụng máy móc vào thị trường bất động sản VN có thể dẫn đến những kết luận không phù hợp. Đơn giản vì họ dễ bỏ qua, không hiểu, không chịu hiểu hay không lưu ý đúng mức đến các yếu tố căn bản tác động đến bất động sản ở VN, một đất nước chắc chắn đang phát triển mạnh: giá trị bất động sản thay đổi tích cực do phát triển hạ tầng, quá trình đô thị hóa ồ ạt, vấn đề tăng dân số cơ học một số khu vực, tăng trưởng việc làm, cải thiện môi trường sống hoặc thay đổi tích cực về qui hoạch; thay đổi mục đích sử dụng đất để phát triển KTXH, cũng như nhu cầu đa dạng về bất động sản trong dân, song song với sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, văn hóa ô tô và qui mô tài sản khủng của NĐT.
Bạn không thể mua toàn bộ cả ngành bất động sản Việt Nam, bạn chỉ có thể mua từng sản phẩm cụ thể. Vì vậy, hãy tập trung vào các yếu tố cơ bản của chính bất động sản đó, khu vực đó, thay vì chỉ biết dành toàn bộ thời gian cho các vấn đề bạn không chắc đã hiểu hết. Kkk.
Viết về kinh tế tài chính vĩ mô (ở mức cơ bản) khó, nhưng vẫn có thể học được. Và đôi khi, nó còn dễ hơn việc phân tích, đánh giá đúng tiềm năng tăng trưởng để đi đến quyết định đầu tư bất động sản cụ thể ở một thời điểm nhất định. Đơn giản vì khi xuống tiền, không thể bốc phét, phải thực tế. Kkk.
Nếu chỉ nhìn mặt Powell (FED) hay nhìn miệng bạn Hồng (Thống đốc SBV – Ngân hàng nhà nước) để đoán lãi suất và mua bán bất động sản có lãi ngay thì dễ quá. Haha.
Viết, thể hiện quan điểm, ý kiến là quyền của mỗi người, cần tôn trọng. Nhưng cẩn thận, đừng đi xa quá. Nhiều người lấy data lạm phát kỷ lục ở Mỹ, hay suy thoái kinh tế EU đi áp đặt cho Việt Nam, mạnh miệng hô hào, dự báo kinh tế đất nước này suy thoái, siêu lạm phát hay lãi suất bình quân sẽ vọt lên 20%-25%/năm bla bla thì mình chịu. Thương các bạn.
bất động sản Việt Nam bao la, nhiều phân khúc, nhiều khu vực, đủ loại hình sản phẩm. Chẳng bao giờ có chuyện tất cả cùng tăng hay cùng giảm. Chỉ thần kinh mới viết như vậy. Mỗi phân khúc, mỗi khu vực ở từng thời điểm đều có câu chuyện riêng.
Ngay cả khi thị trường bất động sản cả nước ấm nóng, vẫn luôn có nhiều khu vực, phân khúc bị tê liệt và ngược lại.
Ai cũng biết từ tháng 4/2022; thị trường bắt đầu khác, thanh khoản chậm lại. Nhưng cũng từ tháng 4 đến nay, vẫn có nhiều bất động sản cụ thể, khu vực cụ thể, giá vẫn tăng, có thanh khoản.
Thế nhé. Đừng tự hạ mình xuống và gào lên thị trường toàn quốc đang hay sẽ sập một cách mù quáng. Buồn cười lắm.
Cafe cuối tuần
Minh Lê
—
Bài cà khịa giới hạn một số “chuyên gia” tự phong trong ngành bất động sản.
Các bạn khác, cũng có thể đang ngồi điều hòa ôm vợ hay người yêu, chắc chắn không liên quan.
